Hôm nay ngày 08/11/2024 | [email protected]
Home Đời Sống ‘Dịch’ khai ấn

‘Dịch’ khai ấn

Thực trạng nhiều lễ hội đua nhau tổ chức khai ấn, phát ấn khiến không ít nhà nghiên cứu, văn hóa ví như ‘một thứ dịch’, thậm chí là một kiểu ‘kinh doanh tâm linh’…sẽ bị tổn thương vì điều đó”.

 
Khai ấn, phát ấn quanh năm
Lễ hội mới nhất có việc khai ấn, phát ấn có lẽ chính là lễ Khai bút khai ấn ở Quảng Ninh, bắt đầu từ 2014. Bản thân chiếc ấn có chữ Hồng Đức hiệu Tao Đàn hội là một “sáng kiến” của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Ấn được sáng tạo dựa trên tinh thần từ Tao Đàn Nhị thập bát tú, tổ chức có vai trò giống như một CLB thơ do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ 15.
Hiện có rất nhiều lễ hội có việc phát ấn. Vào mùng 5 tết, đền thờ Quang Trung tại Nghệ An cũng có phát ấn thiêng gây chen lấn xô đẩy. Cũng trong tháng giêng này, nhiều người đang chờ đón phát ấn ở đền Trần Nam Định. Đây là lễ hội cho tới nay vẫn bị nhiều nhà nghiên cứu lên án vì việc bịa ra câu chuyện về một lá ấn có tác dụng “thăng quan tiến chức”. Vẫn tại Nam Định, còn có đền Bảo Lộc cũng có lá ấn được coi là giúp thăng quan tiến chức, đặc biệt, việc phát ấn còn đi kèm với việc chui qua lỗ cửa nhỏ ở hậu cung theo kiểu “vào luồn ra cúi”. Thời điểm ngày 13, 14 tháng giêng tại đền Linh Từ ở Tràng Kênh, Hải Phòng cũng có việc phát ấn. Xa hẳn ra ngoài tháng giêng, tận đến mùa thu, đền Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương) cũng có phát ấn. Việc này thậm chí còn được coi như một hoạt động thu hút du lịch.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Cùng là đền Trần, nhưng ở đền Linh Từ (Tràng Kênh, Hải Phòng) mọi việc rất khác với Nam Định. Nếu như ở Nam Định năm nào cũng có việc xếp hàng, xô đẩy, chen lấn để lấy ấn, cướp ấn thì ở đây việc phát ấn miễn phí lại trật tự, trang nghiêm dù lượng người về khá đông. Lá ấn mang mong ước một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người dân may mắn. “Việc phát ấn bắt đầu từ năm 2008 với quy trình đóng ấn, cướp ấn nguyên bản như ở đền Trần, Nam Định. Ấn đồng cũng được sao y bản chính ấn ở Nam Định. Mọi việc đều được làm lễ và xin phép đầy đủ”, ông Lê Văn Đức, Trưởng ban Quản lý đền Tràng Kênh, cho biết. Nhà đền cho biết thêm năm 2016 đền phát 1,5 vạn ấn và năm nay sẽ tăng 1,5 lần theo nhu cầu của du khách.
Cùng với điểm nóng đền Trần, đền Bảo Lộc ở Nam Định cũng thường gây “bất ổn”. Năm ngoái, bất chấp việc Sở VH-TT-DL đề nghị cả H.Mỹ Lộc lẫn xã Mỹ Phúc chấm dứt việc đóng ấn thu tiền như 2015 thì việc này vẫn tiếp tục diễn ra.
Đền Quang Trung tại núi Dũng Quyết, TP.Vinh, Nghệ An mới đây đã lại trở thành điểm nóng với ùn ùn người chen lấn để lấy ấn vào mùng 5 vừa rồi. Ban quản lý cho biết đã in tới 15.000 thẻ ấn để phát cho người có nhu cầu và sẽ phát đến hết mùng 10 tháng giêng. Sau đó, nếu du khách ở xa khi đến đền có nhu cầu, họ sẽ cho in tiếp để phát.
Không chen chúc nhưng cũng chẳng hề “đẹp mặt” nhà tổ chức là lá ấn ở tỉnh Quảng Ninh. Mục đích là cầu một năm chữ nghĩa, sáng tác nhiều thành tựu song lá ấn có 6 chữ lại sai chính tả đến 2 chữ. “Cũng như một món hàng giả”, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ VH-TT-DL, nói.
Biến tướng thành dịch vụ tâm linh
Còn nhớ, khi ấn đền Trần Nam Định mới xuất hiện, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng về độ thiêng của lá ấn này khi nó được tuyên truyền là để ban chức tước. “Chính sử chép, đầu tháng giêng ngày mười tư, nhà vua từ Thăng Long về vấn an Thái thượng hoàng và nhân dịp đó làm lễ khai ấn. Việc khai ấn chỉ là việc mở đầu công việc triều đình hằng năm. Về bản chất, nó cũng tương tự như lễ khai canh, khai sơn (mở cửa rừng), mở hàng của người buôn bán, khai bút đầu xuân, động thổ vậy… Nó cầu mong một sự mở đầu tốt đẹp, một năm mới may mắn theo tâm thức đầu xuôi đuôi lọt”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, khi đó nói. Điều đáng nói là quan điểm của ông Thịnh có rất nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ, song không ngăn nổi Nam Định vẫn khai ấn đền Trần, còn người dân vẫn chen chúc xin ấn.
“Cái phát ấn là cái mà sau khi ấn đền Trần đưa ra thì nó nở rộ. Bất cứ lễ hội gì cũng cần yếu tố thiêng. Vì thế, người ta sẽ đặt ra những cái đó chứ chưa chắc đã là thiêng thật. Trong truyền thuyết nhiều nơi đặt ra chuyện thiêng như thế. Còn mình tin hay không là việc của mình”, TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, nói. Thực tế này mang yếu tố thương mại rất rõ khi nhà tổ chức dùng các yếu tố thiêng để thu hút khách tới chỗ mình, vì thế “cũng phải có giới hạn để không bịa ra đủ các thứ nhằm trục lợi cái thiêng”. Điểm dừng, theo ông Sơn, chính là những ảnh hưởng xấu tới đời sống. “Chẳng hạn, với các lễ hội phát ấn, nếu nó tranh cướp, nhốn nháo làm ảnh hưởng đến sự kết nối con người trong lễ hội thì là tác động xấu. Điều đó không thể chấp nhận được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Về sự lộn xộn, tranh cướp nhau xin ấn, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho rằng: “Đó là một sự nhảm nhí”. Còn GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho rằng: “Chúng ta đang bị cái rất nặng là chạy theo dịch vụ tâm linh. Nó cũng cần thiết để an ủi người ta, nhưng không ít nơi lợi dụng điều đó. Rồi ấn đền Trần sợ là sẽ loang khắp nơi. Tôi không ngạc nhiên nếu việc khai ấn có thể vượt qua cả Nghệ An và vào tới miền Nam. Dường như đó là sự bùng nổ của thị trường kinh doanh tâm linh khi nhiều người cũng muốn có mà không ra bắc được để mua. Họ tự thiêng hóa và làm đủ trò cả. Cấu kết cộng đồng sẽ bị tổn thương vì điều đó”.
Theo thanhnien.vn
SHARE