Nếu không thu phí BOT Cai Lậy, nhà nước phải đền bù gần 1.400 tỉ đồng

Dời trạm, tính lại phương án tài chính, giữ trạm và tăng cường vận động người dân hoặc thêm trạm và tính phí khác nhau là các phương án được Bộ GTVT đưa ra nhằm giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Tuy nhiên, khả năng dời trạm được nhận định là kém khả thi nhất.Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, trong cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều qua 4.12, nếu điều chỉnh hoặc không thu phí BOT Cai Lậy thì nhà nước phải đền bù cho nhà đầu tư khoảng 1.398 tỉ đồng, trong đó phần đầu tư trên quốc lộ 1 là 380 tỉ, tuyến tránh khoảng 1.100 tỉ.

Hiện cả nước có 6 trạm BOT tương tự Cai Lậy, tuy nhiên, sau khi kiên trì giải thích và có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các trạm như Bến Thủy (Nghệ An), Đồng Nai…, người dân đã đồng thuận; cơ quan quản lý nhà nước đã giảm phí, miễn phí cho người dân sống xung quanh trạm.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1, khởi công năm 2014 và bắt đầu thu phí từ ngày 1.8.2017. Tuy nhiên, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí, buộc trạm phải xả nhiều lần trước khi tạm ngừng hoạt động hơn 3 tháng.

Đến ngày 30.11, khi trạm thu phí trở lại với giá vé mới thấp hơn, các tài xế tiếp tục phản đối bằng các chiêu khác nhau, buộc trạm phải xả trạm 24 lần trong 5 ngày. Trước tình hình này, Thủ tướng đã họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT và yêu cầu tạm dừng hoạt động trạm này trong 1-2 tháng để rà soát lại.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy.

Cụ thể, phương án một là vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông bằng cách bổ sung chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.

Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Phương án này đòi hỏi phải thương thảo với nhà đầu tư và không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng.

Còn kịch bản cuối cùng là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Theo Laodong

SHARE