So sánh công nghệ TV OLED của Samsung và LG

Samsung sử dụng tấm nền QD-OLED có độ sáng cao hơn OLED truyền thống từ LG nhưng cho tông màu trắng hơi thiên hồng.

Cuối tháng 11, Samsung bán ra mẫu S95B, dòng TV đầu tiên của hãng sử dụng tấm nền OLED vốn gắn liền với đối thủ LG. Động thái của Samsung cũng thu hút sự chú ý trong giới công nghệ, vì năm 2017, họ từng cho rằng OLED không phù hợp sử dụng trên TV do màn hình này dễ bị “burn-in” (lưu hình).

Thực tế, tấm nền của S95B, được gọi là QD-OLED, có sự khác biệt so với LG. Công nghệ chấm lượng tử được Samsung áp dụng đã khắc phục nhược điểm của OLED truyền thống. Trang công nghệ Rtings đánh giá S95B “đáng kinh ngạc” về chất lượng hình ảnh nhưng tồn tại một số nhược điểm tùy môi trường sử dụng.

Cùng mang ưu điểm của tấm nền OLED

Cùng là OLED, TV Samsung (trái) có độ sáng cao hơn so với TV LG. Ảnh: Consumer Reports

Cùng là OLED, TV Samsung (trái) có độ sáng cao hơn so với TV LG. Ảnh: Consumer Reports

TV OLED của Samsung và LG đều sử dụng các điểm ảnh tự phát sáng, bật/tắt độc lập. Có nghĩa, khi TV cần hiển thị màu đen, các điểm ảnh sẽ tắt hoàn toàn và người xem cảm nhận được màu đen tuyệt đối ở vị trí cần thiết. Đây là khác biệt lớn so với công nghệ LED truyền thống, vốn dùng đèn nền hoặc đèn viền nên thường tạo “vầng hào quang” quanh các vùng tối nhất trên màn hình. Khác biệt về công nghệ cũng giúp độ tương phản của TV OLED gần như vô hạn.

Nhược điểm lớn nhất từng được nhắc đến của OLED là khả năng bị lưu hình (burn-in). Qua nhiều năm phát triển, LG và Sony đều có những giải pháp hiệu quả để khắc phục hiện tượng này. Theo Consumer Report, hiện rất ít trường hợp người dùng phàn nàn về lỗi kể trên.

LG dùng WOLED còn Samsung là QD-OLED

QD-OLED sử dụng nguồn sáng OLED xanh lam với vật liệu chấm lượng tử, tạo ánh sáng đỏ và lục giúp độ sáng cao, màu rực rỡ hơn.

QD-OLED sử dụng nguồn sáng OLED xanh lam với vật liệu chấm lượng tử, tạo ánh sáng đỏ và lục giúp độ sáng cao, màu rực rỡ hơn.

Trước Samsung, TV OLED phần lớn được sản xuất bởi LG và mang công nghệ WOLED. Phương pháp này sử dụng nguồn sáng OLED trắng, là sự kết hợp của vật liệu OLED xanh lam và vàng tạo ra ánh sáng trắng. Cộng với bộ lọc màu, WOLED sẽ tạo ra màu đỏ, lục và lam của quang phổ. Do bộ lọc màu hấp thụ một phần độ sáng, LG thêm một pixel phụ màu trắng bỏ qua bộ lọc màu nhằm tăng độ sáng. Nhược điểm là ở độ sáng cao nhất cần thiết cho nội dung HDR, pixel phụ màu trắng đôi khi khiến màu sắc bị nhạt.

Samsung có cách tiếp cận khác khi sử dụng chấm lượng tử (các tinh thể có kích thước nano) thay cho bộ lọc màu. Giống TV Neo QLED, tấm nền QD-OLED sử dụng nguồn sáng OLED xanh lam với vật liệu chấm lượng tử tạo ra ánh sáng đỏ và lục. Do không cần sử dụng bộ lọc màu trước nguồn sáng, TV QD-OLED có khả năng đạt độ sáng cực đại cao hơn mà không làm giảm độ tương phản. Ngoài ra, chấm lượng tử cũng giúp duy trì màu sắc rực rỡ hơn ở độ sáng cao.

Khác biệt trong trải nghiệm thực tế

Samsung S95B (trái) hiển thị tông thiên hồng còn LG C2 thiên xanh lục. Ảnh: Consumer Reports

Samsung S95B (trái) hiển thị tông thiên hồng còn LG C2 thiên xanh lục. Ảnh: Consumer Reports

Trong thử nghiệm thực tế với máy quang phổ kế, Consumer Reports đo được độ sáng tối đa của LG C2 với tấm nền OLED evo là 850 nit, còn Samsung S95B là 1.000 nit. Khi đo ở chế độ Phim hay Trò chơi, trang Rtings cho biết model của Samsung có thể đạt 1.400 nit – mức thường chỉ thấy ở TV LED. Độ sáng không cao vốn là nhược điểm của OLED truyền thống, bởi tăng độ sáng làm giảm tuổi thọ điểm ảnh và màu sắc bị nhạt với công nghệ WOLED. Việc có độ sáng cao giúp S95B đa dạng hơn về môi trường sử dụng, kể cả ngoài trời.

So sánh trực tiếp với LG G2 – mẫu TV OLED đầu bảng của LG, Rtings nhận xét S95B có màu sắc rực rỡ và độ sáng cao hơn đáng kể. Model của Samsung cũng tái tạo tông màu da đẹp hơn, bắt mắt hơn.

Công nghệ WOLED và QD-OLED cũng khác biệt lớn trong thể hiện gam màu trắng. Trong cùng hình ảnh hiển thị, S95B cho màu trắng hơi thiên hồng còn với LG, màu trắng thiên về xanh lục nhẹ. Ở viền các chi tiết và vật thể màu trắng, TV Samsung gặp vấn đề hiển thị viền đỏ và xanh bất thường. Điều này không xảy ra trên TV LG. Tuy nhiên, người dùng khó nhận ra bằng mắt thường.

Phần mềm, hệ điều hành

Google Asisstant hỗ trợ tiếng Việt tốt là lợi thế của TV Samsung. Ảnh: Modmy

Google Asisstant hỗ trợ tiếng Việt tốt là lợi thế của TV Samsung. Ảnh: Modmy

LG trung thành với hệ điều hành webOS còn Samsung là Tizen OS. TV LG có ưu điểm về giao diện hiển thị nhiều nội dung phong phú hơn ở màn hình chính, điều khiển chuột bay. Trong khi đó, Tizen OS đơn giản, không che nội dung khi người dùng bật cài đặt, màn hình chủ.

Cả hai hệ điều hành đều hỗ trợ tìm kiếm, điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt. Tuy nhiên, hai năm gần đây, TV Samsung tích hợp trợ lý ảo Google Assistant, vốn được đánh giá là hỗ trợ tiếng Việt tốt hơn, nội dung phong phú và đa dạng hơn.

Giá bán

Samsung tỏ ra thận trọng khi mở bán duy nhất một dòng TV OLED là S95B và chỉ có hai lựa chọn kích thước màn hình 55 và 65 inch. Giá tương ứng cho hai phiên bản là 47 và 60 triệu đồng, tương đương dòng C2 của LG, dù Samsung hướng đến cạnh tranh với dòng cao cấp nhất LG G2 (tầm giá 85 triệu đồng).

Khắc phục nhược điểm cố hữu về độ sáng, khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ hơn đối thủ nhưng Samsung sẽ vẫn cần thời gian thực tế để chứng minh độ bền của tấm nền QD-OLED.

SHARE